Sơ Lược Tiểu Sử Ông BAHIYA

Ông Bāhiya là vị A La Hán vào thời Phật Thích Ca Gotama. Ông mang tên này vì ông sinh trưởng tại ngôi làng tên Bāhiya ở Bhārukaccha. Ông cũng được người đời gọi là Dārucïriya vì trước khi đắc quả A La Hán, ông đã mặc áo làm bằng vỏ cây. Dāru =cây; cïriya = vỏ cây. Dārucïriya = người mặc vỏ cây.
Khi còn là người chưa tu, ông là một thương nhân. Ông đi buôn bằng thuyền. Ông đã 7 lần vượt sông Indus băng qua biển để đi buôn. Trong 7 lần đều thành công cả 7. Đến lần thứ 8, trong khi đi đến thương cảng ở Suvaṇṇabhūmi, tàu ông bị đắm chìm giữa biển. Hàng hóa và của cải của ông đều bị chìm mất hết. Tất cả thương nhân trên tàu đều chết. May mắn cho ông là ông ôm được tấm ván. Sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, chiến đấu với tử thần, ông đã tấp vào bờ biển Suppāraka với tấm ván. Khi đến bờ, ông không còn quần áo để che thân. Ông nhặt nhánh cây nhỏ và vỏ cây kết lại thành khố để che thân. Sau đó ông lên bờ và đi khất thực. Dân vùng biển Suppāraka thấy ông ăn mặc vỏ cây nên gọi ông là “người mặc vỏ cây” (Dārucïriya). Hiểu được hoàn cảnh của ông là người vừa thoát chết sau chuyến tàu chìm, dân chúng kẻ ít người nhiều, tùy theo phương tiện của mình đã cúng dường thức ăn, thức uống cho ông với sự tôn kính. Thấy ông không áo quần, dân vùng biển cúng dường nhiều áo quần và nhiều vật dụng đáng giá khác, nhưng ông từ chối. Ông chỉ nhận đủ số cần dùng. Nhờ vậy uy tín của ông càng lên cao. Ít lâu sau đó, dân vùng biển nghĩ rằng ông là một vị A La Hán. Sau cùng chính ông cũng cho rằng ông là một vị A La Hán hay là người đang đi trên đường A La Hán.
 Lúc bấy giờ có một thiên nhân (Devatā), trước kia là bà con ruột thịt với Bāhiya, trong một đêm khuya, thiên nhân này hiện ra và nói cho Bāhiya biết rằng ông không phải là A La Hán, cũng không phải là người đang đi trên đường A La Hán. Nếu muốn đi trên con đường A La Hán và trở thành vị A La Hán, thiên nhân này cho biết là ông nên mau mau đến Kỳ Viên Tinh Xá ở Xá Vệ (Sāvatthi) để gặp ngay Đức Phật. Phật sẽ giảng cho ông biết làm thế nào để đi trên đường A La Hán, làm thế nào để có lợi lạc cho chính ông trên đường tâm linh.
 Nghe vậy, ông Bāhiya liền quyết tâm đi đến Xá Vệ (Sāvatthi) ngay. Mặc dù bờ biển Suppāraka cách xa Xá Vệ khoảng 120 do tuần { 1 do tuần (yojana = leagues) bằng 4 km. 120 x 4km = 480km }, với quyết tâm mãnh liệt, ông Bāhiya đi suốt đêm. Ông hy vọng gặp Phật để chính tai ông nghe Phật giảng cách làm sao để đạt được hạnh phúc an lạc lâu dài.

 Sáng sớm hôm sau ông đã đến Kỳ Viên Tịnh xá. Ông rất đỗi vui mừng, tin tưởng sẽ gặp Đức Phật để thưa hỏi. Nhưng ông được cho biết là Đức Phật đã đi khất thực rồi. Với tâm trạng nôn nóng, ông liền bươn bả đi nhanh theo hướng Đức Phật đang đi khất thực. Ông mong rằng khi gặp Phật, ông sẽ nghe Phật chỉ dạy cách tu. Khi thấy Phật đang chậm rãi đi, ông liền nhanh chân đến trước mặt Phật, quì xuống giữa đường, đảnh lễ sát dưới chân Phật, rồi ôn tồn thỉnh cầu Phật dạy pháp để ông được giải thoát.
 Ông chấp tay thành tâm bạch:
– Bạch Thế Tôn, cầu xin Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc, an lạc lâu dài.Đức Phật chậm rãi đáp:
– Không phải thời, này Bāhiya, ta đang đi khất thực. Ông Bāhiya tiếp tục cầu xin nữa.
– Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
 Lần thứ hai Đức Phật cũng từ chối, Đức Phật cho biết là không phải thời để Đức Phật giảng. Không chán nản, ông Bāhiya thỉnh cầu lần thứ ba.
– Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
 Nhìn thái độ thành khẩn và lòng nhiệt tâm cầu pháp của Bāhiya, thấy đã đến lúc cần nói bài pháp thích hợp với tâm trạng đang mong đợi chờ nghe của ông Bāhiya, Đức Phật liền chậm rãi nói những lời ngắn gọn. Ông Bāhiya chấp tay, quì chú tâm lắng nghe lời Phật. Phật nói:
– Vậy này Bāhiya, ông cần phải học tập như sau: “Trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri chỉ là cái thức tri.” Như vậy, này Bāhiya, ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bāhiya, nếu với ông, trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bāhiya, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bāhiya, ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.
 Kinh ghi tiếp: – Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn, tâm của Bāhiya Dārucïriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
 Thầy giải thích: – Tức là khi nghe Phật giảng xong, ông đã đắc quả A La Hán. Đây là ông đã tức khắc nhận thức thấu đáo Chân lý. Trong Pāli gọi trạng thái này là “khippābhiññānaṃ” . Tương đương tiếng Anh là “instanly comprehended the Truth”. Nói theo Thiền Tông Trung Hoa, ông đã “triệt ngộ.”
Sau đó, Đức Phật đi khất thực. Riêng ông Bāhiya từ giã Phật… Không lâu sau đó, một con bò húc vào ông Bāhiya. Ông chết. Khi Phật đi khất thực xong, sau buổi ăn trưa, trên đường đi khất thực trở về, cùng chung với nhiều Tỳ Kheo, Phật thấy ông Bāhiya nằm chết. Phật liền nói với các Tỳ kheo:

– Này các Tỳ kheo, hãy lấy thân xác Bāhiya Dārucïriya đặt lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, rồi xây tháp lên trên. Này các Tỳ kheo, một vị đồng Phạm hạnh với các Thầy đã qua đời !
 Thầy giải thích: Đồng Phạm Hạnh, tức là cùng chung hạnh sống của bậc Thánh với các vị Tỳ kheo, đệ tử của Phật.
 Kinh ghi tiếp: – Sau khi các vị Tỳ kheo làm y theo lời Phật dạy xong, các ngài đến bạch Phật, yêu cầu Phật giải thích về trường hợp của ông Bāhiya. Trước Chư Tăng, Đức Phật công bố:

– Này các Tỳ kheo, Hiền trí là Bāhiya Dārucïriya đã hành trì tùy pháp, đúng pháp và không có phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Này các Tỳ kheo, Bāhiya Dārucïriya đã nhập Niết bàn.

Những mắt xích đưa đến ngộ đạo.
Tiếp theo Thầy giảng trở lại, Thầy nói:
– Trường hợp triệt ngộ (khippābhiññānaṃ) của ông Bāhiya, có những điểm sau đây, quí vị cần lưu ý.

Tâm thuần
 1.Trong những ngày sống ở bờ biển Suppāraka, tâm ông Bāhiya rất thanh tịnh. Tâm của ông không còn vướng mắc vào của cải, tài sản vật chất như trước kia ông đã say mê. Ông sống đạm bạc, giữ thanh tịnh như là hạnh sống của bậc Thánh. Nhờ vậy ông được dân chúng vùng biển tôn kính như người có đầy đủ Phạm hạnh. Như vậy là tâm của ông đã thuần. Nó không còn lăng xăng dao động với các nhân duyên bên ngoài. Rồi qua đó, ông nghĩ rằng ông đã đắc quả A La Hán hay là người đang tu theo con đường A La Hán.
Khởi nghi
2.Nhưng một thiên nhân cho biết ông không phải là người đang đi trên đường A La Hán. Thiên nhân báo cho ông biết ông nên đến Xá Vệ để gặp Đức Phật và nghe lời chỉ dạy của Đức Phật để đi đúng con đường A La Hán và đắc quả A La Hán. Lúc bấy giờ ông mới nhận ra là những điều ông đã nghĩ về khả năng tu tập của ông là không đúng. Có người đang đi đúng con đường A La Hán là Phật Thích Ca hiện đang ở tại Xá Vệ. Ông mau đến đó để thưa hỏi.

Đại nghi

3.Sau đó ông quyết tâm đi đến Xá Vệ. Dù đoạn đường khá dài, ông chỉ đi trong một đêm. Trong quá trình đi suốt đêm này, tâm và trí của ông chỉ chứa một mối nghi. Đó là làm sao để được hạnh phúc an lạc lâu dài. Mối nghi này đã trở thành mối nghi lớn trong tâm ông. Ông hy vọng được giải tỏa khi gặp Phật. Đây là điểm cơ bản của ngộ đạo.


Vun bồi khối nghi

4. Đến khi gặp Phật, niềm vui đã dâng tràn lên trong tâm ông. Ông chỉ phát lên lời khẩn khoản thỉnh cầu Phật chỉ dạy. Ông cho rằng không còn kịp nữa, nếu Phật tịch hay ông tịch, thì làm sao có cơ hội biết đường tu tập để được giải thoát. Như ông nói: ” Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn hay chướng ngại cho mạng sống của con.” Tuy nhiên, dù khẩn khoản thỉnh cầu, hai lần thưa thỉnh Phật đều từ chối. Đây cũng là một tác nhân đặc biệt thử thách tâm ông. Không chán nản, lần thứ ba ông thỉnh cầu nữa.
Hợp thời tiết, nhân duyên

5.Lúc bấy giờ Phật nhận ra sự thành khẩn của ông Bāhiya. Phật biết rằng ông đang mong cầu nghe lời dạy của Phật. Phật cũng biết tâm của ông đã hoàn toàn vắng lặng và đang
 chờ Phật rót vào tai những lời thích hợp để ông đạt được giác ngộ hay hạnh phúc an lạc lâu dài. Thấy cơ duyên đã đến lúc, Phật đồng ý giảng cho ông nghe
 6. Ông mừng rỡ, sẵn sàng lắng tâm nghe lời giảng ngắn gọn của Phật.
Giải tỏa mối đại nghi

7.Khi nghe giảng xong, tức khắc ông ngộ đạo. Ông đắc quả A La Hán.
 Trước chư tăng, Đức Phật công bố Bāhiya đã triệt ngộ.


Nguyên tắc kinh nghiệm giác quan:
8. Điểm then chốt của bài pháp ngắn gọn này là nhấn mạnh đến nguyên tắc kinh nghiệm giác quan. Đó là khi giác quan kinh nghiệm được điều gì hãy để nó kinh nghiệm mà không để tự ngã can thiệp vào. Nếu biết khai thác nguyên lý này, ta cũng sẽ có kinh nghiệm ngộ đạo.
Hỏi đố

Sau khi giảng xong bài kinh Bāhiya, thầy bắt đầu hỏi đố thiền sinh về trường hợp triệt ngộ của ông Bāhiya qua các cơ chế bên trong tánh giác.
 Trong kinh, Phật dạy: Trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe, chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri.

 Hỏi: – Phật dạy điều gì?

 Anh Hội đáp: – Phật dạy tự mình phải nhận ra các tánh trong cơ chế tánh giác.

 Thầy: – Giải thích chi tiết ?

 Anh Bùi Nhượng: – Trong cái thấy, chỉ là cái thấy. Đây là Phật dạy về tánh thấy tiếp xúc với đối tượng. Khi mình thấy biết điều gì, chỉ có tánh thấy mà thôi. Trong đó không có “cái Ta.” Nếu có “cái Ta” nhảy vào là cái thấy không còn là cái thấy đúng của nó nữa. Mà là “Tôi thấy.” Đó là cái thấy bị “cái Ta” can thiệp vào.

 Thầy:- Còn trong cái nghe, chỉ là cái nghe. Đây là Phật dạy điều gì?

 Thúy Hồng: – Phật dạy, nghe chỉ biết nghe. Đây là cái nghe của tánh nghe. Trong khi nghe, chỉ biết nghe mà không suy luận về nội dung âm thanh như thế nào.

 Thầy: – Đúng!

 Thầy: – Còn trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng. Phật dạy như thế nào?

 Anh Hội: – Châu Lợi Bàn Đà Già !

 Thầy: – Là nghĩa gì?

 Anh Hội: – Đó là trong cái xúc chạm chỉ có tánh xúc chạm mà không có diễn dịch gì trong đó. Như trường hợp Phật dạy ông Châu Lợi Bàn Đà Già vò khăn !

 Thầy: – Hay quá, làm sao con nhận ra điều này?

 Anh Hội: – Con nhớ trong Bản tin, Thầy có giảng về trường hợp ông Châu Lợi Bàn Đà Già chỉ vò khăn mà ngộ đạo.

 Thầy: – Đó là như thế nào?

 Anh Hội: – Ông Châu Lợi Bàn Đà Già khi vò khăn chỉ nhận biết những cảm giác khi vò khăn mà không có thêm lời gì trong đó. Nhờ vậy tánh xúc chạm bị kích thích, đưa đến ông ngộ đạo. Trường hợp này giống như Phật dạy ông Bāhiya là trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng. Thọ và tưởng thuộc phạm vi tánh xúc chạm ở thùy đỉnh. Ông ngộ đạo nhờ vùng này bị kích thích.

 Tâm Thảo: – Nhưng còn thiếu một tánh nữa.

 Anh Hội: – Phải chị muốn nói đến tánh thấy không?

 Tâm Thảo: – Phải ! Vì Phật dạy ông ra trước ánh nắng mặt trời để vò khăn. Trong khi đó, ông chỉ chăm chú nhìn vào tấm vải. Bàn tay tuy cảm nhận biết mà vẫn giữ tâm im lặng.

Anh Hội: – Tôi cũng biết, nhưng tôi chỉ chú ý đến câu trả lời trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng.

 Hỏi: – Trong cái thấy chỉ là cái thấy. Đây là Phật dạy ông Bāhiya điều gì?

 Ngọc Trân: – Phật dạy ông Bāhiya là thấy chỉ biết thấy. Không thêm, bớt gì trong đó. Đây là cái thấy của tánh thấy trong cơ chế tánh giác.

 Thầy: – Đúng.

 Hỏi: – Trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri là Phật dạy như thế nào?

 Huỳnh Hội: – Đó là Phật dạy khi có nhận thức điều gì, ông Bāhiya chỉ giữ trạng thái nhận thức đó mà không thêm nội dung gì trong đó. Đây là nhận thức không lời về đối tượng. Nó là một phần bên trong cơ chế tánh giác.

 Thầy: – Đúng

 Hỏi: – Trong kinh Phật dạy ông Bāhiya “Nếu trong cái thấy, chỉ là cái thấy; trong cái nghe, chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri, chỉ là cái thức tri. Do vậy, ông không là chỗ ấy. Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.” Vậy, Phật dạy ông Bàhiya điều gì ? Ai trả lời được ?

 Bùi Nhượng: – Ông không là chỗ ấy, tức là chỗ đó không có tự ngã hay không có “cái Ta.”

 Thầy: – Tại sao?

 Bùi Nhượng: – Vì chỗ đó chỉ là những chức năng của Tánh giác nên đâu có “cái Ta” trong đó!

 Thầy: – Còn “ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa” là ý nghĩa gì?

 Huỳnh Hội: – Tức là nếu đạt được 4 trạng thái trên thì ông Bāhiya đạt được giải thoát ngay trong đời này. Mà khi đã giải thoát thì đậu có hiện hữu trong đời nào nữa ! Nên Phật mới nói “Do vậy, này Bāhiya, ông không là chỗ ấy, ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. “

 Cuối cùng Thầy kêu Sư Chú Không Chiếu và Cô Tâm Thảo* đúc kết lại bài kinh.
….

* Cô Tâm Thảo: bây giờ là Ni Sư Triệt Như.

 *************

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *