PHÁP THOẠI- Thầy Thiền Chủ

Các Chiêu Thức Thực Hành

Các Chiêu Thức Thực Hành

Cách Thực Tập: An Trú Trong Tâm TaThà

An Trú Trong Tâm Tathà

Hình Ảnh Não Bộ

Không Tầm Không Tứ I

Định Không Tầm Không Tứ (KTKT) là tầng định căn bản trong thiền Phật giáo. Người nào muốn đi đến cuối cùng của thiền Phật giáo đều phải trãi qua bước thiền nầy. Do đó ở đây chúng ta chỉ học có 10 ngày làm sao đạt được định KTKT. Chính vì thế chúng ta phải áp dụng miên mật trong 4 tư thế mới hi vọng đạt được định KTKT. Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của định là gì? Thuộc chức năng nào đảm nhận vai trò đó? Rồi đến khi thực hành, ta phải dùng phương pháp nào để cho phù hợp với vai trò và chức năng đó?
Dựa vào thuật ngữ định, ta biết rằng đây là từ ngữ chuyên môn trong thiền. Nó được đức Phật dùng để ám chỉ cho chức năng của tâm chúng ta phải được yên lặng. Sự yên lặng đó được đức Phật mô tả là trạng thái tâm thuần nhất. Tức là trong đó tâm của chúng ta chỉ hiện hữu một trạng thái biết không lời. Nếu biết mà có lời thì tâm chúng ta không được yên lặng. Còn về từ ngữ KTKT được đức Phật dùng để mô tả trạng thái ngôn hành không động. Như vậy định KTKT là tầng định bắt buộc chúng ta phải dụng công làm cho tiếng nói trong đầu chúng ta phải từ từ yên lặng mới được. Ở đây, chúng ta biết rằng trong não bộ của con người có 3 nhóm tạo ra sự yên lặng của tâm (1) là nhóm ý thức, ý căn, và trí năng nhóm nầy đức Phật xếp là nhóm của tâm phàm phu (2) là tâm bậc Thánh (3) là tâm bậc Chân nhân. Nếu muốn dụng công đưa đến yên lặng trong tâm chúng ta thì chúng ta phải dùng cách tu chỉ, bằng phương pháp xử dụng trí năng tĩnh ngộ. Đó là cách chúng ta dùng 2 từ không-nói để chúng ta thực tập cách ra lệnh tế bào não vùng phát ngôn thường trực sẽ từ lần có quán tính không nói. Đây là cách chúng ta dùng tầm để tắt tứ.
Còn về phương pháp dụng công bằng ý thức, phương pháp nầy đòi hỏi chúng ta phải thực hành miên mật mới được. Đó là chúng ta áp dụng bằng 3 cách:
(1) Cách thứ nhất là ý thức không đối tượng; đó là mắt nhìn thấy biết, tai nghe tiếng biết, thân xúc chạm biết mà ta cố ý đóng cửa các giác quan. Xem như các giác quan của ta hiện hữu trong tiến trình thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết mà cái ta ý thức không có mặt trong các tiến trình đó.
(2) Cách thứ hai là ta dụng công bằng pháp không định danh đối tượng hoặc cũng còn gọi là không gọi tên đối tượng. Đó là cách ta hạn chế dần quán tính của nói thầm triền miên trong đầu chúng ta. Lý do là chức năng của ý thức, cứ mỗi khi ta tiếp xúc đối tượng, thì bổn phận của nó liền giúp ta có nhận định về đối tượng theo quán tính chủ quan của nó là tốt/xấu, đẹp/thô, trắng/đen… bấy giờ ta nhận thấy rằng muốn đi vào chỗ không hai, ta phải dụng công bằng cách khi giác quan tiêp xúc đối tượng thì ta không định danh đối tượng (hoặc không gọi tên đối tượng).
(3) Cách thứ ba, cách nầy là cách ta dùng ý căn để dụng công bằng pháp chú ý trống rỗng. Đó là cách chúng ta nhìn tât cả đối tượng mà trong tâm chúng ta không nói thầm về đối tượng, trong đó 2 từ “trống rỗng” tương xứng với ba từ “không gọi tên.” Nghĩa là khi chúng ta khởi ý trống rỗng thì tức khắc trong đầu chúng ta cũng liền khởi lên 5 từ “không gọi tên đối tượng”, bằng cách đó chúng ta mới đạt được pháp chú ý trống rỗng.
Tóm lại, với tâm phàm phu nếu chúng ta biết cách dụng công thì cuối cùng chúng ta sẽ đạt được định KTKT. Nhưng vì ở đây chúng ta chỉ có 10 ngày thôi, do đó chúng ta phải áp dụng cách vào tâm bậc thánh, đó là từ thiền chỉ bằng 2 từ Không-nói, chúng ta sẽ đi vào thiền định một cách dễ dàng.
Ở đây có những vị đã theo học từ trước với chúng tôi, những vị đó quen với những thuật ngữ như không định danh đối tượng, hoặc chú ý trống rỗng, hay không nói thầm trong não, quí vị đó tuy có cơ may biết cách vào định sớm hơn những vị đương theo học nhưng vì thời gian không thực hành liên tục đưa đến tình trạng mà chúng tôi quen gọi là “định cà giựt”. Nhưng bây giờ may mắn được tham dự trong khóa tu học nầy, thì những vị đó sẽ có kinh nghiệm định sớm hơn những vị mới theo học.
Tóm tắt lại, bài giảng trong ngày đầu về ý nghĩa của định KTKT là đức Phật muốn hướng dẫn chúng ta phải tìm cách cắt đứt niệm nói thầm triền miên trong đầu chúng ta bằng cách Ngài đưa ra phương pháp hướng dẫn chúng ta ứng dụng tâm phàm phu (gồm 3 nhóm ý thức, ý căn và trí năng) để dụng công. Nếu qua phương pháp đó chúng ta đạt được định KTKT, thì điều đó là điều rất may mắn, trong đó phải kể vai trò quan trọng của trí năng tĩnh ngộ. Tức là tự ngã phát ra ý nghĩ không nói, ý nghĩ đó liền truyền thẳng đến vùng Wernicke rồi từ đó truyền đến vùng Broca. Nơi đây liền khuếch tán 2 từ không nói đến những nơi tiếp nhận, có liên hệ đến sự đối thoại thầm lặng: trước hết là vùng ký ức vận hành được xem như là vùng ký ức ngắn hạn rồi tiếp theo đến vùng ký ức xúc cảm, cuối cùng đến vùng ký ức dài hạn. Lúc bấy giờ nơi tâm của ta sẽ từ lần trở nên yên lặng mà không thông qua một pháp nào hết. Nếu chúng ta thật sự tỉnh ngộ thì việc dụng công bằng trí năng tỉnh ngộ, chúng ta sẽ đạt được định KTKT ngay từ ngày thứ nhất. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ nhận thấy 3 tánh đồng loạt mở. Đó là cửa vào của tâm bậc Thánh.
Nhưng thật sự việc ấy không phải dễ. Vì điểm khó khăn ở chỗ đòi hỏi chúng ta phải trãi qua thời gian dụng công miên mật về chủ đề “không nói thầm trong não” một cách tích cực, để cho tế bào não quen dần cách khi các giác quan tiếp xúc đối tượng thì chúng ta không gọi tên đối tượng gì hết. Chúng ta chỉ nhìn thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết mà trong não chúng ta không gọi tên gì hết về đối tượng. Đó là cách chúng ta huấn luyện tế bào não vùng phát ra lời đều có quán tính yên lặng. Do đó ở đây chúng ta thấy giữa 2 sắc thái tâm đều cách nhau chỉ có một khoảng là không nói thầm. Hễ chúng ta nói ra lời thì tâm chúng ta rơi vào hoàn cảnh của tâm phàm phu. Còn nếu chúng ta nhìn thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết đều không lời thì rơi vào tâm bậc thánh.

Không Tầm Không Tứ II

Hôm qua chúng ta biết cửa vào của tâm bậc Thánh, nó đòi hỏi tự ngã phải tỉnh ngộ để chúng ta áp dụng 2 từ “không-nói”. Hai từ Không Nói đó được so sánh như trong tay chúng ta đương cầm một bó đuốc đương cháy rực, chúng ta liền nhúng bó đuốc đó xuống một hồ nước, bó đuốc đó liền tắt ngúm ngay.
  Bó đuốc đang cháy rực tượng trưng cho ngọn lửa tham-sân-si đang nổi lên trong đầu của chúng ta. Bây giờ nếu chúng ta áp dụng bằng cách quán chiếu để nhận ra chân tánh của chúng, thì việc đó không thể được mau lẹ như chúng ta nhúng bó đuốc xuống mặt hồ, thì lửa tham dục bị dập tắt ngay tức khắc bằng 2 từ Không Nói. Cũng vậy, nếu chúng ta hít thở thì việc dập tắt lửa sân hận sẽ không đến nhanh bằng nói thầm Không Nói. Do đó muốn tắt tất cả lửa tham hay sân hận thì chúng ta chỉ cần áp dụng cách nói ra thành lời Không Nói. Như thế đó, chúng ta sẽ dập tắt tất cả lửa tham-sân-si, nhưng điều kiện tiên quyết đòi hỏi chúng ta phải tỉnh ngộ mới áp dụng được cách đó.
Trong 3 nhóm tâm của tâm Phàm Phu, vai trò đó do trí năng đảm nhiệm. Một khi trí năng đứng ra lãnh nhiệm vụ thì tức khắc 2 vùng ý căn, ý thức đều yên lặng. Do đó ở đây chúng ta cần phải thêm áp dụng kỹ thuật bằng cách nói nhừa nhựa 2 từ Không-Nói vừa đủ tai nghe.
Thí dụ nói ra thành lời không… nói… không… nói… Bằng cách đó tức là chúng ta đưa kỹ thuật vào cách áp dụng 2 từ Không Nói để cho quán tính mới của tế bào não vùng nghe âm thanh được quen dần 2 từ Không Nói. Nếu ta áp dụng thường xuyên 2 từ Không Nói đó thì 2 từ Không Nói đó sẽ trở thành cái lệnh mỗi khi chúng ta giáp mặt với một điều kiện gì đó mà chúng ta cảm thấy không thích thú thì chúng ta liền phát ra lệnh Không Nói. Tức thì lệnh đó sẽ được lan truyền khắp nơi vùng vỏ não. Tất nhiên chúng ta sẽ thấy nội tâm được yên lặng ngay. Đó là kỹ thuật áp dụng trong vai trò của tự ngã thanh tịnh tuyệt đối. Lúc bấy giờ nếu chúng ta muốn biết kết quả của sự thanh tịnh đó nó sẽ xảy ra như thế nào trong vùng não bộ của chúng ta thì dưới đây chúng tôi sẽ trưng dẫn 3 vùng trong não bộ của chúng tôi: vùng tánh nghe , vùng tánh thấy và vùng tánh xúc chạm.

Không Tầm Không Tứ II (tiếp theo)

Sở dĩ máy fMRI chụp được hình chúng tôi như thế là do chúng tôi chỉ khởi lên niệm nói thầm Không Nói và niệm đó đã trở thành lệnh do tế bào não đã được huấn luyện nhiều lần. Lúc bấy giờ chúng tôi chỉ khởi ý mang nội dung “Không-Nói”. Tức thì nội dung đó được lan truyền đến những nơi liên hệ. Trước hết từ thùy thái dương thuộc vùng tánh nghe, tiếp theo là vùng thùy đỉnh thuộc tánh xúc chạm. Sau cùng là vùng thùy chẫm thuộc vùng tánh thấy.
Do đó nếu chúng ta dụng công miên mật bằng cách khởi lên niệm nói thầm Không Nói thì kết quả chúng ta sẽ đạt được một trạng thái ý ngôn yên lặng. Do đó ở đây tuy là Phật đề cập đến ngôn hành không động, nhưng thật sự trước khi áp dụng ngôn hành không động (tức là tầm, tứ đều không động), nhưng trong tiến trình đó thì phải có vai chủ động để thi hành mệnh lệnh đó. Ở đây, nói cho cùng là chúng ta phải xử dụng vai trò tự ngã và rồi tự ngã đó phải xử dụng ý căn để chúng ta tiến hành bằng cách khởi ý Không Nói hoặc “không-nói-thầm-trong-não”. Như thế chúng ta mới hoàn chỉnh kỹ thuật làm chủ ngôn hành.

Không Tầm Không Tứ III

Hôm qua chúng tôi đã trưng dẫn hình não bộ của chúng tôi bằng cách dụng công có kỹ thuật từ thiền chỉ đi đến thiền định, đạt được ba trạng thái không động của tâm ngôn bằng cách nói thầm không-nói. Như vậy mấu chốt của phương thức để đi vào thiền định là cách trong não chúng ta chỉ gợi lên năm từ “không gọi tên đối tượng”. Ngược lại trong lúc đó trong não chúng ta chỉ hiện lên sự nhận biết về môi trường chung quanh của mình (mà trong đó không có lời nói thầm nào hết). Đó là cách chúng ta dùng trí năng tỉnh ngộ để dụng công. Nghĩa là chúng ta biết rằng với hai phương tiện ý thức và ý căn thì khi muốn vào định, chúng ta sẽ mất một thời gian dài để dụng công. Trong lúc đó khóa chuyên tu định chỉ có 10 ngày thôi; chính vì thế, chúng ta phải xử dụng trí năng tỉnh ngộ để làm bước tiến đi vào nơi tu định bằng phương pháp tu chỉ. Đó là sự dừng lại của tâm ngôn. Vì chúng ta biết rằng đầu mối của sự loạn động trong tâm chúng ta chính là ngôn hành. Bây giờ muốn ngôn hành không động thì chúng ta phải xử dụng chức năng tỉnh ngộ của trí năng. Một khi trí năng tỉnh ngộ rồi thì đó là phương tiện duy nhất để chúng ta đóng tất cả cửa xen vào ngôi nhà tâm linh của ta. Do đó, ở đây chúng ta giả lập chức năng tỉnh ngộ của trí năng, thật sự lúc đó là do ta đảm nhận vai trò đó. Vì ngoài cái ta này, lấy đâu có ai phụ trách chức năng tỉnh ngộ đó. Nhưng đứng về mặt thần kinh não bộ thì chúng ta nhận thấy vùng trí năng hoạt động, được các nhà não học phân chia là vùng BA 11, thuộc vùng tiền trán bán cầu não trái. Như vậy, trên thực tế trong não bộ con người có vùng trí năng hoạt động: nếu nó mà không tỉnh ngộ thì trong đầu của chúng ta cứ khởi lên niệm nói thầm triền miên trong não bộ. Sự loạn động của tâm con người chính là do nó đóng vai trò chủ yếu. Bây giờ chúng ta cần phải cho nó tỉnh ngộ, tức là chính chúng ta tỉnh ngộ bằng cách chính chúng ta không nói thầm như trước kia nữa. Tác dụng của sự không nói thầm nầy đưa đến chúng ta tạo ra được một trạng thái yên lặng của nội tâm. Đồng thời ngay lúc đó ta sẽ có kinh nghiệm nhận biết rõ ràng về môi trường chung quanh chúng ta. Niệm nhận biết đó hoàn toàn không lời. Chính chức năng nhận biết không lời đó là do: nếu chúng ta dùng ngôn từ của đức Phật thì do tâm bậc Thánh đảm nhận; còn nếu dùng ngôn từ của chư tổ Thiền tông thì vùng đó do tánh giác đảm nhận. Ngoài ra, có một điểm sâu sắc nữa ít ai nhận thấy đó là mấu chốt đưa đến sự ngộ đạo trong thiền. Đó là do vùng trí năng bế tắc không kiến giải được gì thêm nữa, đồng thời ngay lúc đó một ngoại duyên bất thình lình tác động vào tai, mắt hay thân thì tức khắc sự ngộ đạo sẽ được bật ra. Thí dụ như ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn ngộ đạo qua hòn sỏi chạm vào bụi tre tức thì trong đầu của ngài có sự kiến giải về câu hỏi đố của ngài Quy Sơn Linh Hựu rằng “trước khi cha mẹ chưa sanh, cái gì là bản lai diện mục của ông?” Qua câu hỏi đó ngài Hương Nghiêm Trí Nhàn đã bị bế tắc trong nhiều năm qua. Đến độ ngài phải từ giã ngài Quy Sơn Linh Hựu để đi về làm một vị tăng bình thường, nguyện suốt đời giữ ngôi mộ của quốc sư Huệ Trung. Rồi một hôm trong lúc quét dọn nhà mồ ngài thấy có hòn sỏi ngài liền nhặt hòn sỏi đó lên rồi thuận tay ném hòn sỏi vào bụi tre nghe tiếng kêu một cái cốc. Ngay lúc đó ngài liền ngộ đạo phá lên cười. Lúc bấy giờ ngài vội vàng đi về liêu của mình tắm gội sạch sẽ rồi lên bàn đốt 3 nén hương quỳ lạy hướng về núi Quy Sơn ngài đảnh lễ miệng thốt ra lời: Thầy ơi nếu trước kia thầy giải thích cho con câu hỏi: “trước khi cha mẹ chưa sanh, cái gì là bản lai diện mục của ông?” thì đâu có ngày hôm nay. Qua sự ngộ đạo đó ngài liền mở khóa dạy thiền. Có một câu nói của ngài mà trong thiền sử Trung Hoa đã ghi lại thành một câu công án như sau: “Một người đương ở trên cây miệng ngậm cành cây. Dưới đất có người hỏi: “nhờ thầy giải đáp giùm con: đại ý Phật pháp là gì?” Người ấy phải trả lời như thế nào? (Về phía dưới chân gốc cây là một hố thẳm). Tất nhiên người ngậm cành cây không thể nào trả lời được. Qua đó cho ta thấy sự ngộ đạo của ngài là ở chỗ ngay lúc đó trí năng phải bế tắc, giác quan của ta tuy còn đủ nhưng không nói ra một lời nào. Đó là cách kiến giải của ngài Hương Nghiêm. Vì rằng trong lúc đó tuy chúng ta không nói được lời gì những vẫn còn có niệm biết về môi trường chung quanh. Từ trên cơ sở nầy giúp chúng ta nhận ra mấu chốt của tất cả sự ngộ đạo trong thiền vốn được đặt trên cơ sở trí năng bế tắc. Nhưng chúng ta phải mượn thêm ngay lúc đó phải có ngoại duyên tác động vào một trong ba tánh thì sự ngộ đạo sẽ bừng sáng lên. Chúng ta sẽ tự mình cảm nhận như sờ sờ trước mắt. Qua lần ngộ đạo đầu tiên nầy, chúng ta sẽ tự mình giải đáp được những câu hỏi mà từ trước kia chúng ta đã bế tắc.
Bây giờ xin trở lại vấn đề. Qua kỹ thuật của máy fMRI chúng ta nhận thấy trong não bộ của con người có 3 vùng liên hệ đến lời Phật dạy trong kinh. Thứ nhất là vùng của tâm phàm phu gồm ý thức ở vùng tiền trán bán cầu não phải. Thứ hai, vùng ý căn thuộc vùng tiền trán bán cầu não trái được nhà não học Brodmann phân chia là vùng số 10. Thứ ba là vùng trí năng cũng ở vùng tiền trán được nhà não học Brodmann chia thành vùng số 11. Chức năng của nó suy luận tính toán, lập nên những quyết định. Do đó đưa đến chúng ta những nghiệp ác hay bất thiện nếu chúng ta sân si, nghĩ xấu về đối tượng. Còn nếu chúng ta thường xuyên nghĩ tốt về đối tượng thì những việc làm của chúng ta sẽ đưa đến nghiệp tốt. Vì thế cả hai nghiệp thiện và bất thiện đều đưa đến chúng ta sẽ phải lãnh hậu quả tốt hay xấu do chính vai trò của nó đảm nhận. Đó là kết quả của tâm phàm phu. Bây giờ chúng ta cần tiến lên một bước nữa, đó là làm cho nó dừng lại bằng cách chúng ta xử dụng phương pháp tu chỉ. Một khi nó đã thật sự dừng lại, thì lúc bấy giờ chúng ta sẽ nhận ra tánh giác của mình hiển lộ. Chính vì thế, chúng ta sẽ nhận ra sự quan trọng trong việc đầu tiên mà đức Phật đã đưa ra phương pháp tịnh chỉ ngôn hành. Một khi ngôn hành của chúng ta dừng lại được thì liền lúc đó tâm bậc thánh xuất hiện. Như vậy giữa tâm bậc thánh và tâm phàm phu chỉ cách nhau có một đường tơ kẽ tóc đó là sự không nói thầm trong não. Cho nên ở chỗ nầy chúng ta phải biết cách dụng công để làm cho ngôn hành trở nên yên lặng. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ kinh nghiệm ba tánh đồng hiển lộ.
Dưới đây chúng tôi xin trưng dẫn hình não bộ của chúng tôi khi dụng công bằng pháp tịnh chỉ ngôn hành

Không Tầm Không Tứ III (tiếp theo)

Ngày xưa chúng ta học thiền tới chỗ nầy, chúng ta hoài nghi không biết có thật sự khi tâm ngôn dừng lại có phải tâm bậc thánh hiển lộ hay không. Ngày nay chúng ta học thiền, nhờ sự áp dụng của khoa học não bộ để chứng minh kỹ thuật không nói thầm trong não là tức khắc trong đầu chúng ta sẽ hiện lên một màn hình ghi nhận 4 tánh. Trong đó gồm tánh thấy, tánh nghe và tánh xúc chạm. Đó là 3 tánh của tánh giác. Còn tánh thứ tư là tánh nhận thức biết. Tánh nầy là tánh quan trọng nhất trong thiền. Về phần nầy chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần thiền định thứ tư. Còn bây giờ xin miễn bàn. Nhưng vì khi chụp hình não bộ qua phương pháp không nói thầm trong não thì máy ghi hình liền chụp được 4 tánh đồng hiện lên một lúc. Ngày xưa, chúng tôi đã mô tả về trạng thái nầy như sau: Các nhà khoa học nói được, chỉ được mà làm không được. Còn chúng ta nói được, làm được mà chỉ cũng được luôn. Đó là nhờ công trình của các nhà não học đã phát minh ra máy chụp hình não bộ. Như vậy, việc học thiền của chúng ta ngày nay đòi hỏi cần phải có sự minh chứng của khoa học não bộ. Để chúng ta dựa vào đó biết rằng mình đã thực hành thiền đúng hay sai. Đến đây xin kết thúc bài nầy.

Không Tầm Không Tứ IV

Hôm qua chúng tôi đã trưng dẫn hình não bộ của chúng tôi qua phương pháp thực hành thiền chỉ, để với mục đích làm cho nội tâm của mình nó sẽ dừng lại quán tính lăng xăng giao động của tâm phàm phu: đó là những thứ tâm trong bản chất vốn ưa dính mắc chuyện phải trái, thị phi; thích vạch lá tìm sâu; thích tìm xét lỗi người; thích bươi móc chuyện quá khứ; thích trọng đại hóa những chuyện không đâu…đấu tranh, điên đảo, mưu mẹo vặt vãnh; tà hạnh trong các dục … Nói chung về bản chất của tâm phàm phu là ưa thích người đời khen tặng mình và dễ dàng nổi sân khi thấy quyền lợi của mình bị vi phạm. Bây giờ, với vai trò trí năng tỉnh ngộ, ta áp dụng cách tu chỉ, với chủ đích làm cho nội tâm của ta dừng lại bằng 2 từ Không Nói. Hễ bất cứ lúc nào mắt của ta vừa chạm trán với một đối tượng nào đó, ta liền dùng 2 từ Không Nói vừa đủ tai nghe. Bằng cách đó chính chúng ta đã tiến hành thực hành 2 từ Không Nói. Mục đích chính là chúng ta muốn tiến sâu vào lãnh vực cắt đứt lời nói thầm và sự đối thoại thầm lặng trong đầu, đồng thời làm nổi bật lên vai trò của tự ngã đã thật sự tỉnh ngộ. Tức là chúng ta không còn duyên theo những pháp thiền nào khác mà trước đây chúng ta đã chạy theo những pháp thiền đó. Thế nên trong bước tỉnh ngộ nầy là đầu mối của con đường đi vào dòng thánh, để rồi từ đó chúng ta sẽ nhận ra tâm bậc thánh hay tánh giác. Đó là niệm biết không lời của tâm thanh tịnh. Ở đây chúng ta nhận thấy vai trò của trí năng tỉnh ngộ rất là quan trọng trong sự hành thiền một khi tự ngã đã tỉnh ngộ thật sự thì xét về mặt nội tâm là chúng ta không còn xử dụng những loại quán tính cũ mà chúng ta đã bị những loại quán tính đó chúng đã gây nên những sự thăng trầm trong cuộc đời của chúng ta. Bây giờ chúng ta đã tỉnh ngộ rồi thì sự tỉnh ngộ đó được thể hiện dưới hình thức hoạt động của trí năng bằng cách xử dụng niệm biết không lời bên trong cơ chế của tánh giác. Để rồi từ đó chúng ta sẽ tùy nghi hoạt động theo những mô thức mà chúng ta đã tự chọn lấy. Do đó vai trò tỉnh ngộ của trí năng (tức là của cái ngã nầy) đóng một phần quan trọng trong sinh hoạt thiền của chúng ta.

Không Tầm Không Tứ V

Luận về tự ngã tỉnh ngộ.
Trong việc thực hành thiền, chúng ta thường dùng những chủ từ để dựng lập thành câu văn cho đúng nghĩa của câu văn. Thí dụ thông thường 2 từ “chúng ta” được thông dụng nhất. Kế đó là từ ngữ “tôi”. Rồi tiếp theo đó là từ ngữ cái nầy là của tôi, đây là tự ngã của tôi. Ba cụm từ đó, nếu chúng ta xét cho tới cùng thì chúng ta nhận thấy rằng bên trong cốt lõi của ba cụm từ đó thật sự chẳng có cái nào là tôi. Nhưng sở dĩ chúng ta đặt tên đây là “tôi”…vì rằng chúng ta phải mượn cơ chế giác quan và niệm thốt ra thành lời để chúng ta lập nên những khái niệm. Như vậy nếu chúng ta muốn không có những khái niệm đó bật lên trong đầu chúng ta thì chúng ta cắt đứt mạng lưới tư duy và chúng ta chỉ giữ thầm lặng biết thì tất nhiên những khái niệm kia không thể bật ra. Như vậy chúng ta thực hành thiền trong ý nghĩa tự ngã tỉnh ngộ, đó là chúng ta phải tự mình áp dụng chủ đề “không suy nghĩ” cộng với niệm thầm nhận biết để chúng ta đạt được trạng thái tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng đó tương xứng với niệm “không nói thầm trong não”. Ở đây, về từ ngữ “tự ngã tỉnh ngộ”, đó là cách chúng ta muốn dùng một chủ từ để mô tả một trạng thái tỉnh ngộ mà thực sự vai trò tỉnh ngộ đó vốn do trí năng bên trong não bộ của chúng ta đảm nhận. Như vậy nếu chúng ta buông bỏ hết tất cả khái niệm thì trong đầu chúng ta sẽ chỉ còn lại niệm biết rõ ràng về môi trường chung quanh, bên trong cơ thể và bên ngoài cơ thể chúng ta một cách tĩnh lặng.
Nhưng tại sao phải tỉnh ngộ? Đó là vì trước kia chúng ta quá say mê những pháp đưa đến an lạc trong nhất thời mà trong kết quả lâu dài chúng ta sẽ chỉ nhận ra một tràng đau khổ. Bây giờ chúng ta tỉnh ngộ buông bỏ những pháp kia để thực hành pháp mới. Đó là sự tỉnh ngộ của tự ngã. Trên phương diện tu thiền chúng ta phải trải qua nhiều lần tỉnh ngộ mới hi vọng đạt được mục tiêu cứu cánh của thiền. Trong đó bước đầu tiên là chúng ta phải nhận ra vai trò và chức năng của tâm bậc Thánh (tức cơ chế tánh giác trong Thiền Tông) và phương pháp thực hành để đạt được những trạng thái tâm đó đến mức độ cuối cùng. Chúng ta phải buông bỏ tất cả khái niệm để vào chỗ không còn khái niệm gì nữa hết. Kể cả cái ta tỉnh ngộ cũng không còn hiện hữu trong đầu chúng ta. Lúc bấy giờ theo thuật ngữ thiền trong hệ kinh Bát Nhã gọi trạng thái đó là thể nhập chân như hoặc tự ngã thanh tịnh tuyệt đối.
Về từ ngữ tự ngã thanh tịnh tuyệt đối, đó là toàn bộ cơ chế giác quan trong não bộ của chúng ta đều yên lặng: không phát ra một lời nào hết. Bây giờ trong não bộ của chúng ta chỉ hiển hiện lên một dòng niệm biết mà trong đó không có người biết. Đó là ý nghĩa của tự ngã thanh tịnh tuyệt đối. Cho nên việc tu thiền của chúng ta ngày nay đòi hỏi phải có sự tỉnh ngộ để làm bàn đạp cho chính chúng ta muốn tiến sâu vào lãnh vực trừu tượng thuộc hệ thống kinh Phật tự thuyết.

Không Tầm Không Tứ VI

Hôm qua chúng ta đã luận về tự ngã tỉnh ngộ chúng ta nhận ra rằng trong sự nghiệp chuyên tu thiền định mỗi người đều phải trải qua một lần tỉnh ngộ thì sự nghiệp chuyên tu thiền định của chúng ta mới có thể tiến lên những chân trời mới lạ. Do đó người dụng công tu thiền định đòi hỏi vị ấy trí năng phải tỉnh ngộ. Mức độ tỉnh ngộ càng sâu bao nhiêu thì đường dụng công tu tập của vị ấy càng sẽ mau đến đích. Như vậy chúng ta thấy mức  độ tỉnh ngộ là yếu tố quyết định sự nghiệp chuyên tu thiền định của tất cả mọi người. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần phải nhận ra cho kỹ nội dung tỉnh ngộ đó phải dựa trên cơ sở dẹp bỏ tất cả năng lực tư duy để làm cho tánh giác hiển lộ. Đó là niệm biết không lời. Một khi niệm biết không lời nầy có mặt thường trực trong bốn oai nghi của ta thì đường về nhà không còn xa tít mù khơi. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ nhận ra cơ chế tâm của chúng ta quả thật đã yên lặng. Thí dụ như dưới đây trong kinh Bahiya có ghi lại một chuyện ngộ đạo của ông Bahiya qua ba lần ông Bahiya thỉnh cầu đức Phật giảng dạy cho ông nghe về phép tu làm sao để đắc quả a la hán. Đến lần thứ ba đức Phật liền giảng dạy cho ông nghe một bài pháp ngắn gọn như sau đây: “Nầy Bahiya ông hãy lắng nghe cho kỹ. Ta sẽ vì ông mà nói: trong cái thấy chỉ là cái thấy. Trong cái nghe chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri chỉ là cái thức tri. Trong đó không có ông trong đời nầy hay đời sau hay đời chặng giữa. Như thế ấy là ông đoạn tận hết khổ đau.” Nghe đến đây ông Bahiya liền nhận ra cốt lõi của bài pháp. Đó là muốn đoạn tận hết mọi khổ đau thì ngay khi đức Phật giảng đến đâu ông liền nghiệm ra đến đó. Cuối cùng ông được đức Phật ban cho pháp hiệu là Khippapanno nghĩa là đốn ngộ. Dưới đây chúng tôi xin trưng dẫn một sơ đồ về 4 tánh mà qua đó mà ông Bahiya đã ngộ đạo.
Bây giờ chúng tôi xin quay trở lại về quá khứ cuộc đời của ông Bahiya để quí vị nhận rõ vì sao ông Bahiya ngộ đạo:
Kinh Bahiya là bài kinh Phật dạy liên hệ đến những chức năng trong cơ chế tánh giác, gồm tánh thấy, tánh nghe, tánh xúc chạm, và tánh nhận thức biết. Đây là bài kinh được chúng tôi rút ra từ trong kinh Phật Tự Thuyết, Chương 1 Phẩm Bồ Đề, thuộc Tiểu Bộ Kinh của kinh tạng Pali, thuộc hệ kinh Nguyên Thủy.
Bài kinh này nói lên trường hợp triệt ngộ tức khắc của ông Bahiya qua sự lắng nghe Phật giảng với điều kiện tâm của ông Bahiya có mang một mối nghi lớn là làm sao để đạt được hạnh phúc an lạc lâu dài. Sau khi nghe Phật giảng, ông đã thấu đáo tức khắc điều đó và đắc quả A la hán.
Sơ lược tiểu sử ông BAHIYA

Không Tầm Không Tứ VII

Đề tài mà chúng ta đang thảo luận là KTKT định qua đó chúng ta cần phải vào được tầng định này, thì xem như chúng ta đã vượt qua một chặn đường gian truân. Nếu vị nào không qua được tầng định đó thì xem như chúng ta sẽ mãi mãi ngồi đó mà không thể nào nắm bắt được nội dung ý nghĩa cùa KTKT định. Cho nên ở đây chúng ta cần phải nắm bắt cho được rốt ráo từ ngữ KTKT định là gì. Ở đây chúng ta thấy có 3 cụm từ: (1) Định (2)  Không Tầm (3)  Không Tứ.
Về từ Định, ý nghĩa rốt ráo của từ nầy là chỉ cho trạng thái tâm yên lặng, không giao động trước tất cả ngọn gió đời, thuật ngữ quen gọi là “bát phong suy bất động”. Đó là 8 thứ gió gồm lợi, suy, hũy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc thổi đến mà ta không hề giao động. Đó là điều quá lý tưởng về ý nghĩa rốt ráo của từ định. Trên thực tế từ ngữ định chỉ cho một trạng thái của tâm người thực hành được hoàn toàn đứng yên một chỗ. Rồi tiếp theo sau đó có nhiều chủ đề được gắn liền với từ ngữ định để tạo ra một sắc thái tâm siêu thế gồm 3 lãnh vực: từ phàm tâm chuyển đổi thành tâm Bậc thánh, từ tâm Bậc thánh chuyển đổi thành tâm Phật. Do đó về từ ngữ định chúng ta sẽ nhận ra rằng trong đó bao hàm nhiều nội dung khác nhau. Mỗi nội dung đều mang lại một ý nghĩa riêng biệt cho tầng định đó. Thí dụ trong Phật giáo Nguyên thủy đức Phật thường đề cao 3 loại định là Không định, Vô tướng định và Vô nguyện định. Ngài gọi người nào muốn đi đến giải thoát đều có thể đi vào một trong 3 cửa đó. Còn trong kinh Phật tự thuyết Ngài mô tả: “Này các tỷ kheo, có xứ này (Ayatana), tại đấy không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có hư không vô biên xứ; không có thức vô biên xứ; không có vô sở hữu xứ; không có phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có đời này; không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các tỷ kheo, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh, không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên. Đây là sự đoạn tận khổ đau.” Nội dung chính yếu của bài pháp đó là Phật muốn mô tả một trạng thái tâm của hành giả phải thể nhập vào chỗ “không có gì để bàn luận nữa”. Ngược lại hành giả phải tự biết chỗ đó tên gọi là gì mới có khả năng vượt qua tất cả khổ đau và cuối cùng đạt được giải thoát. Đó là sau khi từ giả cõi đời. Còn trong khi còn sống thì thành tựu một trạng thái vô ngã. Như vậy dù cho bài pháp không có đề cập đến thể nhập vào Chân như hay Niết bàn mà chính đó là Phật muốn ám chỉ một cảnh giới mà hành giả cần phải thể nhập vào cảnh giới đó qua lời mô tả của Đức Phật.
Do đó ở đây chúng ta nhận ra định chỉ là cái khung trong đó ta muốn bỏ vào từ ngữ gì thì ta sẽ thực hành theo pháp đó. Cuối cùng ta sẽ đạt được kết quả theo lời mô tả của pháp đó. Nếu lúc ban đầu ta xác định từ ngử định như thế nào thì ta sẽ thực hành theo pháp đó. Chính vì thế sự định nghĩa từ ngữ định rất là quan trọng. Nó sẽ là kim chỉ nam hay la bàn cho ta muốn đi đến đích thì ta phải áp dụng thuật ngữ định mà lúc ban đầu ta đã xử dụng. Ở đây lúc ban đầu chúng ta đã xử dụng niệm “biết không lời” để định nghĩa từ ngữ định.
Còn Tầm và Tứ chỉ là nội dung mà ta bỏ vào khung định. Như vậy kết quả ta sẽ đạt được định Không Tầm Không Tứ.
Bây giờ chúng ta cần hiểu rõ 2 từ ngữ không tầm không tứ là gì. Chúng do chức năng nào đảm nhận? Vì sao chúng lại được Phật tuyên bố là chướng ngại hàng đầu của người tu thiền?
Chúng ta thử tìm kiếm một định nghĩa về tầm tứ. Có tìm ra đúng định nghĩa chúng ta mới hy vọng vào tận hang ổ của chúng mới tiêu diệt được chúng. Vậy, Tầm là sự nói thầm trong não chúng ta còn Tứ là sự đối thoại thầm lặng, chúng phát khởi trong vùng ký ức của chúng ta.  Chính chúng đã gây phiền toái trong cuộc sống của chúng ta mà chúng ta không hề hay biết.  Chúng ta lại còn bênh vực, méo mó, lại còn hăng say đưa ra những quan điểm đấu tranh, giành giựt tạo ra nhiều đau khổ cho người và cho mình. Cuối cùng chúng ta sẽ đi đến chết mà chúng ta vẫn cho rằng mình đúng còn người khác là sai lầm.  Do đó ở đây chúng ta phải biết cách dụng công để triệt tiêu mầm mống  của luân hồi sinh tử bằng cách dùng Tầm tắt Tứ.  Ở đây chính Tứ là niệm gây ra muôn ngàn sự đau khổ cho người và cho mình.  Từ những vụ giết người thảm khốc đến những vụ án giết người trả thù cũng do vai trò của Tứ đảm nhận.  Vậy bây giờ chúng ta phải tỉnh ngộ để áp dụng cách dùng Tầm để tắt Tứ.  Đó là chúng ta dùng niệm nói thầm Không Nói.  Bao lâu trong đầu chúng ta quen dần hai từ Không Nói thì xem như chúng ta đã thành công trong việc dùng Tầm để tắt Tứ.  Lý do là trong não chúng ta cứ quen nói thầm triền miên, bây giờ chúng ta tự mình xếp lại trong não bộ một trật tự mới để khi chúng ta tiếp xúc với đối tượng nào thì chúng ta vẫn cứ duy trì niệm biết mà không phê phán cũng không suy nghĩ gì về đối tượng mặc dù vẫn nhận biết rõ ràng về đối tượng: đó là cách chúng ta thành công trong bước đầu của tu Thiền Không Nói.